CẨM NANG CHẠY BỘ ĐÚNG CÁCH
Việc áp dụng đúng kỹ thuật chạy bộ không chỉ giúp bạn hạn chế chấn thương mà còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, để thực hiện các kỹ thuật này một cách chính xác, bạn cần dành thời gian để cơ thể làm quen và thích nghi dần. Để biết những kỹ thuật đó là gì và quan trọng như thế nào hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Khởi động cơ thể
Trước khi bắt đầu chạy, hãy làm nóng cơ thể bằng cách thực hiện các động tác giãn cơ, sau đó đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút. Điều này sẽ giúp cơ bắp sẵn sàng cho việc vận động mạnh hơn. Tránh việc chạy ngay lập tức để hạn chế đau mỏi toàn thân.
Giữ tầm nhìn thẳng khi chạy
Trong quá trình chạy, hãy nhìn thẳng về phía trước và tập trung vào đoạn đường cách bạn khoảng 3 – 6m. Đừng nhìn xuống chân vì điều đó dễ làm bạn mất tập trung. Thay vào đó, quan sát xung quanh để phát hiện chướng ngại vật như xe cộ, cây cối hoặc người qua đường, tránh nguy cơ vấp ngã.
Thả lỏng vai
Một tư thế chuẩn khi chạy là để vai ở trạng thái thoải mái, cơ thể hơi hướng về phía trước. Nếu bạn gồng vai hay cúi lưng quá nhiều, có thể dẫn đến gù lưng, đau tức vùng ngực và khó thở. Hãy kiểm tra xem vai có bị nhấc cao không và nếu có, hãy siết nhẹ bả vai để đưa chúng về vị trí tự nhiên và thư giãn.
Giữ tay thoải mái
Trong khi chạy, không nên siết chặt bàn tay thành nắm đấm vì điều này có thể khiến cánh tay, vai và cổ bị căng cứng. Thay vào đó, hãy tưởng tượng bạn đang cầm nhẹ một quả trứng, giữ tay thật thư giãn để hạn chế áp lực không cần thiết.
Hạn chế vung tay mạnh
Việc vung tay quá mạnh, đặc biệt về phía giữa ngực, có thể khiến hơi thở bị rối loạn, dễ gây mệt hoặc đau hông. Nếu cảm thấy tay co cứng, hãy thả lỏng, gập khuỷu tay thành góc vuông 90 độ và giữ cánh tay di chuyển song song hai bên cơ thể để hỗ trợ nhịp thở tốt hơn.
Vị trí tay hợp lý khi chạy
Trong lúc chạy, hãy giữ hai tay ở ngang thắt lưng với khuỷu tay cong 90 độ. Nhiều người mới chạy thường để tay cao ngang ngực, đặc biệt khi mệt, nhưng tư thế này khiến cơ thể dễ mất sức và gây căng thẳng cho vai, cổ.
Đánh tay từ vai
Khi chạy, hãy di chuyển cánh tay theo từng bước chân để giữ nhịp độ ổn định. Lưu ý rằng bạn nên đánh tay từ khớp vai thay vì khuỷu tay, đồng thời để tay lướt nhẹ qua phần hông mỗi khi sải bước. Tốc độ đánh tay cũng góp phần quyết định tốc độ chạy của bạn.
Kỹ thuật tiếp đất chuẩn
Một kỹ thuật quan trọng khi chạy là bạn không nên tiếp đất bằng mũi chân hoặc gót chân vì điều này có thể khiến bắp chân căng cứng, dễ đau mỏi hoặc chấn thương. Thay vào đó, hãy để toàn bộ lòng bàn chân chạm đất, sau đó lăn dần về phía đầu ngón chân để phân bổ lực đều và giảm áp lực lên cơ chân.
Chạy bộ là một trong những bộ môn thể thao đơn giản nhưng mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế chấn thương, LYB khuyên bạn nên nắm vững các kỹ thuật chạy bộ đúng cách là vô cùng cần thiết. Hãy kiên trì luyện tập, điều chỉnh tư thế phù hợp và lắng nghe cơ thể mình để mỗi bước chạy trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn.